🌺Ví dụ: Đứa bé 3 tuổi ném đồ xuống đất
Trừng phạt: Mắng trẻ là hư và đánh tay trẻ
Kỉ luật: Yêu cầu trẻ nhặt đồ lên và giải thích rằng ném có thể làm đồ bị hỏng và bẩn sàn nhà. Để đồ vật ngoài tầm với của trẻ cho đến ngày hôm sau.
🌺Ví dụ: Một đứa bé 2 tuổi đổ hết rác trong thùng rác ra
Trừng phạt: Đánh trẻ và đưa trẻ về phòng
Kỉ luật: Giải thích với trẻ vì sao không nên nghịch thùng rác và cho trẻ thứ khác để chơi
✅✅Qua 2 ví dụ trên, bạn đã phần nào hình dung ra sự khác nhau giữa kỉ luật và trừng phạt chưa? Trừng phạt là sử dụng những hình phạt về thể chất và tinh thần khi trẻ làm sai. Trừng phạt về thể chất là đánh đập, từ tét mông đến bạt tai… Trừng phạt về tinh thần bao gồm CHỬI MẮNG, ĐE DỌA, CHẾ NHẠO, LÀM TRẺ SỢ HOẶC XẤU HỔ.
☀️Lời nói không tích cực, tôn trọng, khiến trẻ sợ, xấu hổ cũng là trừng phạt. Bạn tự hào vì mình không đánh con, nhưng đe dọa (từ ma, ông ba bị, bố mẹ không yêu...) và chế nhạo, khích bác con cũng là trừng phạt. Mà trừng phạt về lời nói đôi khi để lại hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Trái lại, kỉ luật là áp dụng các biện pháp khác như nói chuyện, giải thích, cách li, chuyển hướng…. để trẻ hiểu hành động của mình là sai và không nên tiếp tục, lặp lại nữa.
🤔🤔TẠI SAO NÊN DÙNG KỈ LUẬT VÀ KHÔNG NÊN TRỪNG PHẠT?
Thứ nhất, trừng phạt chỉ có tác dụng trước mắt, không có tác dụng lâu dài. Kỉ luật giúp trẻ hiểu hành động của trẻ là sai, lần sau nên hành xử thế nào và cần làm gì để sữa chữa sai lầm. Ngược lại, trừng phạt không cho trẻ biết đã làm gì sai và nên hành xử thế nào cho đúng lần sau mà là TRẢ GIÁ cho những hành động sai của mình. Vì thế, khi bị trừng phạt, trẻ có thể dừng hành động sai vì sợ nhưng lần sau chúng lại tiếp tục vì không biết phải làm thế nào mới là đúng. Một số trẻ còn nghĩ là chúng đã “trả giá” cho hành động sai của mình rồi và tiếp tục làm sai tiếp, miễn là làm cách nào để bố mẹ không bắt được chúng hoặc chúng trở nên trơ lì, chấp nhận việc trừng phạt.
Với kỉ luật, trẻ hiểu mình vẫn là một đứa trẻ tốt, chỉ có hành động sai và chúng sẽ sửa chữa hành động sai đó. Còn với trừng phạt, trẻ sẽ nghĩ chúng là đứa trẻ tồi tệ. Trẻ nhỏ đang trong quá trình học hỏi. Khi có sai lầm, chúng cần được kỉ luật để khắc phục hậu quả hơn là chịu sự trừng phạt để trả giá cho hành động đó.
Thứ hai, trừng phạt sẽ khiến trẻ cảm thấy không phục, không hiểu tại sao bố mẹ yêu mình mà lại chỉ làm mình đau đớn, buồn phiền. Vì thế, trẻ sẽ tập trung sự chú ý và nỗi tức giận vào việc người lớn “không công bằng” hơn là học để chịu trách nhiệm cho hành động của chúng.
Một nghiên cứu về sự phát triển tinh thần của trẻ đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ bị trừng phạt thường ít cảm thấy tội lỗi, ít sẵn sàng chịu trách nhiệm, khó vượt qua cám dỗ và kiểm soát bản thân kém hơn những đứa trẻ không bị trừng phạt.
Thứ ba, trừng phạt cản trở sự phát triển khả năng kiểm soát bản thân của trẻ vì chúng sẽ nghĩ rằng bố mẹ có trách nhiệm kiểm soát chúng và sẽ quyết định hành vi nào là xấu và hậu quả là gì.
Thứ tư, trừng phạt về thể xác còn khiến trẻ nghĩ rằng bạo lực là cách thể hiện tình yêu.
🤔🤔VẬY TẠI SAO BỐ MẸ VẪN ÁP DỤNG TRỪNG PHẠT, THAY VÌ KỈ LUẬT?
Vì trừng phạt cho bố mẹ cảm giác là mình đã xử lí được vấn đề, tạm dừng ngay lập tức những hành vi sai của trẻ mà không cần mất nhiều thời gian, công sức hay học hỏi để nghĩ ra cách kỉ luật phù hợp, khiến trẻ hợp tác. Bố mẹ chỉ cần quát, dọa hoặc đánh là xong.
Mục đích của việc dạy dỗ hay kỉ luật đều là để trẻ hạn chế những hành vi sai. Việc phạt trẻ khiến trẻ hạn chế hành vi sai, nhưng chỉ là vì sợ, tạm thời, chúng không hiểu lí do cốt lõi vì sao và không chủ động thay đổi bản thân, chỉ tìm cách né tránh hình phạt. Vì thế, vấn đề càng ngày sẽ càng nghiêm trọng, bố mẹ càng phải tăng nặng mức độ phạt, khiến trẻ và bố mẹ trở nên xa cách hơn. Đến khi trẻ đã trơ lì với các hình phạt, mọi chuyện sẽ đi vào bế tắc.
Vì thế, hãy dùng kỉ luật và hạn chế tối đa trừng phạt. Hãy làm trẻ hiểu và tích cực cải thiện bản thân vì chính mình và tình yêu, sự kì vọng của bố mẹ, thay vì sợ hãi.
Hệ thống trường Mầm non Trái Đất xanh - Blue World Preschool được kiến tạo với sứ mệnh tạo dựng một môi trường giáo dục hiện đại, an toàn cho trẻ, qua đó giúp trẻ hình thành những phẩm chất cần thiết trong giai đoạn vàng của sự phát triển: Tự tin, tự lập, tự chủ, sáng tạo, trung thực và trách nhiệm.